LTS: Nếu đó là chất lượng thực thì thật sự đáng mừng nhưng học trò của chúng ta đã thật sự giỏi như thế?
Cô giáo Đỗ Quyên đã cố gắng đi tìm lời giải đáp. Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết và mong nhận được thêm ý kiến từ quý vị độc giả.
Khá giỏi nhiều nhờ thay đổi cách đánh giá
Những năm trước đây ở Tiểu học, xét học lực khá, giỏi của học sinh phải dựa vào điểm kiểm tra thường xuyên và điểm kiểm tra định kì. Những con điểm này được cộng và chia trung bình ra số phẩy.
Nếu được từ 7-8 phẩy, đạt học sinh tiên tiến, 9-10 phẩy đạt học sinh giỏi. Nhờ được cộng cả điểm kiểm tra thường xuyên vào điểm kiểm tra cuối kỳ mà chất lượng học sinh được đánh giá thực chất hơn (Điểm kiểm tra thường xuyên là điểm thầy cô giáo dạy trên lớp, kiểm tra bài hàng ngày nên nó phản ánh tương đối chính xác lực học của học sinh đó).
Số lượng học sinh giỏi chiếm tỷ lệ ngót nghét 100%, Ảnh radiovietnam.vn |
Vài năm trở lại đây, việc đánh giá xếp loại học sinh chỉ căn cứ vào các lần kiểm tra định kì. Nếu học sinh kiểm tra định kì đạt điểm 7-8 điểm cho hai môn Toán+Tiếng Việt (riêng lớp 4,5 có thêm Khoa, Sử, Địa) là đạt học sinh tiên tiến, nếu kiểm tra được điểm 9,10 đương nhiên là đạt học sinh giỏi.
Chưa nói đến việc trong công tác coi thi, giáo viên lơ là để một số em có lực học chỉ trung bình copi bài bạn đạt được số điểm quy định như trên vẫn phải xét đạt học sinh khá hoặc giỏi. Vì điều này, không tránh khỏi một số học sinh giỏi và học sinh tiên tiến ‘dởm”.
Khá giỏi nhiều nhờ được ôn trúng đề
Ở Tiểu học, giáo viên chủ nhiệm lớp chủ yếu được phân công dạy hai môn học chính là Toán và Tiếng Việt.
Vì thế, để nâng cao chất lượng học tập của học sinh trong lớp là trách nhiệm chủ yếu của mỗi thầy cô giáo chủ nhiệm.
Điều này phần vì học sinh nhưng cũng vì quyền lợi của mỗi thầy cô. Nên thầy cô nào cũng phải nổ lực để lớp mình có nhiều học sinh giỏi, học sinh tiên tiến và hạn chế học sinh yếu kém…
(GDVN) - Sự dạy dỗ ân cần của thầy cô giáo cùng với sự chăm chỉ siêng năng của trò thì các em học trường nào cũng tiến bộ. |
Nếu như trước đây, khi chưa có cuốn Chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học ban hành, đến mỗi kì kiểm tra định kì của học sinh, giáo viên thường tập trung ôn tập lại những kiến thức các em đã học theo kiểu “tù mù” nên có chuyện hên, xui. Vài năm trở lại đây, thầy cô giáo chỉ cần dựa vào cuốn Chuẩn kiến thức, kĩ năng này là có thể đoán được đề ra của ban giám hiệu.
Ví dụ: Phần hướng dẫn ôn tập môn toán lớp 3 cuối năm ghi:
Tập trung vào việc đánh giá:
- Tìm số liền sau của một số có bốn hoặc năm chữ số.
- So sánh các số có bốn hoặc năm chữ số.
- Thực hiện các phép tính cộng, trừ các số có bốn, năm chữ số(có nhớ không liên tiếp”; nhân(chia) số có bốn chữ số(nhân có nhớ không liên tiếp; chia hết và chia có dư trong các bước chia).
- Xem đồng hồ (chính xác đến từng phút), mối quan hệ giữa một số đơn vị đo thông dụng.
- Tính chu vi, diện tích hình chữ nhật.
- Giải bài toán liên quan đến rút về đơn vị.
Thế là trên lớp, sau khi dạy học xong các môn, thầy cô giáo tự ra đề ôn tập cho học sinh ngày này, qua ngày khác với các dạng toán, các bài tập làm văn, các bài đọc hiểu…theo đúng yêu cần cần kiểm tra trong sách, ôn đi ôn lại đến “nhừ như cháo, nát như tương” thì việc các em dành điểm 9,10 đâu có gì là khó.
Giỏi nhiều cũng vì thành tích
Dù cho giáo viên bám chuẩn để ôn nhưng nhà trường muốn khống chế tỉ lệ học sinh giỏi ảo cũng không có gì là khó.
Chẳng hạn trong đề kiểm tra chỉ cần ra một bài toán trên chuẩn chút xíu với thang điểm từ 1-2 điểm. Chắc chắn chỉ những em thông minh, giỏi thật sự mới làm được.
Nhưng như thế, nhà trường sẽ có tỉ lệ học sinh khá giỏi rất thấp? Rồi trường mình thực hiện, liệu trường bạn có thực hiện không? Vì điều này, mà khi ra đề kiểm tra các trường đều lờ đi câu hỏi khó.
Đến “khen kiểu gì cũng được”
Từ năm học 2014- 2015, học sinh Tiểu học được đánh giá theo Thông tư 30, không còn xếp loại học sinh theo các mức giỏi, khá, trung bình…như trước mà xếp loại học sinh theo hai mức Đạt hoặc Chưa đạt.
(GDVN) - Phần lớn các chuyên gia, thầy cô giáo không khuyên phụ huynh cho con học trước tuổi. Vậy chúng ta phải chuẩn bị gì làm hành trang tốt nhất cho con vào lớp một. |
Nhưng ở phần khen thưởng lại quá mở khi chỉ quy định: “…học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác…”.
Vì thế, học sinh được khen thưởng bao nhiêu tùy vào số lượng nhà trường quy định. Có trường kinh phí nhiều, khen nhiều, kinh phí ít thì khen ít. Nhiều giáo viên nói đùa, kheo theo Thông tư 30 muốn bao nhiêu em mà chẳng được.
Vì điều này mà giấy khen của mỗi trường ghi mỗi kiểu. Có em khen về môn Toán, em môn tiếng Việt, Anh văn, Mỹ thuật, Nhạc họa, Tin học…em khen về phát triển năng lực gồm hằng hà tiêu chí nhỏ (Tự phục vụ, tự quản; Giao tiếp, hợp tác; Tự học và giải quyết vấn đề), em khen về phát triển phẩm chất( Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; Trung thực, kỉ luật, đoàn kết; Yêu gia đình, bạn và những người khác).
Nói chung muốn không “loạn” học sinh được khen thưởng như hiện nay giải pháp hữu hiệu nhất là bỏ hết chỉ tiêu thi đua mà hàng năm các trường phải đăng ký.
Tác giả bài viết: Lê Thị Tính Theo GDVN
Đang truy cập : 25
Hôm nay : 638
Tháng hiện tại : 1570
Tổng lượt truy cập : 4449539