Trao đổi với báo chí về vấn đề khoanh vùng cách ly phòng chống dịch COVID-19, PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, khoanh vùng một cộng đồng để cách ly là rất quan trọng. Tuy nhiên, quyết định quy mô vùng cách ly phải dựa trên bằng chứng khoa học về dịch tễ và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về tổ chức cách ly.
Linh hoạt trong việc xác định quy mô để khoanh vùng, tổ chức cách ly cộng đồng
Do virus gây COVID-19 chỉ lây khi tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc bề mặt có virus do người mắc bệnh thải ra, cho nên cơ quan chuyên môn phải tiến hành điều tra dịch tễ để xác định quy mô lây nhiễm. Quy mô lây nhiễm đến đâu thì tổ chức cách ly, khoanh vùng đến đó. Tránh tình trạng lo lắng thái quá, quyết định thái quá, một người mắc bệnh cách ly cả phố hoặc cách ly cả làng.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
PGS.TS. Trần Đắc Phu cho rằng ở địa phương, vai trò của các trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế trong việc tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành quyết định khoanh vùng cách ly y tế là rất quan trọng.
Căn cứ để tham mưu trước hết phải dựa vào Quyết định 904/QĐ-BYT ngày 16/3/202 của Bộ Y tế về hướng dẫn thực hiện cách ly y tế tại vùng có dịch. Bên cạnh đó, còn cần phải căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để xác định quy mô cách ly một cụm dân cư, một tổ dân phố, một dãy phố hoặc một tòa chung cư, hay một cơ quan, đơn vị…
Nếu bệnh nhân hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh không có liên hệ với với cộng đồng, với hàng xóm thì chỉ cần cách ly nhà bệnh nhân ở và có thể thực hiện khử khuẩn rộng hơn ở những căn liền kề để ngăn chặn dịch bệnh.
Trong lúc chống dịch, thời điểm ban đầu, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết có thể đã quyết định cách ly cả một khu vực rộng, nhưng trong quá trình cách ly, nếu xác định mức độ lây lan không như ban đầu thì có thể rút gọn phạm vi cách ly lại.
Nhưng nếu kết quả điều tra dịch tễ phát hiện người nhiễm bệnh đã di chuyển đến địa điểm khác mặc dù họ không ở đó, nhưng có yếu tố lây nhiễm, thì chúng ta sẽ tổ chức cách ly ở địa điểm đó. Tóm lại, phải hết sức linh hoạt trong việc xác định quy mô để khoanh vùng, tổ chức cách ly cộng đồng.
Đảm bảo vừa thực hiện phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa gìn giữ sự đoàn kết trong cộng đồng
Trước thực tế, tại 1 địa phương chỉ có vùng dịch quy mô nhỏ, nhưng người dân trong tỉnh khi đi đến địa phương khác lại bị coi là người đến từ vùng dịch, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho rằng cần phải hiểu đúng vấn đề này để có cách ứng xử phù hợp.
Theo ông, để xác định một vùng dịch phải xác định được những người lây nhiễm và yếu tố khả năng lây nhiễm. Vùng dịch có thể rất nhỏ, chỉ 2-3 nhà. Chỉ khi nào không xác định được ca bệnh xuất phát ở đâu, mà lại có sự lây lan trong cộng đồng thì mới đặt ra vấn đề vùng dịch lớn hơn.
"Vừa qua, chúng ta phát hiện được nhiều ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài về hoặc có những ca bệnh lây từ ca xâm nhập, xác định được vùng dịch. Như vậy không thể coi cả những người sống ở ngoài vùng dịch ở địa phương đó cũng đến từ vùng dịch như cách hiểu chưa đúng của một số người. Chúng ta phải hiểu kỹ vấn đề này." - PGS. Trần Đắc Phu nói.
PGS.TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Chúng ta cần hiểu biết đúng để ứng xử đúng, đảm bảo vừa thực hiện phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa gìn giữ sự đoàn kết trong cộng đồng.
Thái Bình
Đang truy cập : 108
Hôm nay : 592
Tháng hiện tại : 47247
Tổng lượt truy cập : 4440927