Người đã truyền nhiệt huyết và cảm hứng cách mạng tới nhân dân, đồng bào, đồng chí của Người, đặc biệt là thế hệ trẻ, lôi kéo và dẫn dắt họ vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt với thanh niên và có những chỉ dẫn rất sâu sắc, mang tầm chiến lược đối với lực lượng đặc biệt này của xã hội.
1. Quan niệm của Hồ Chí Minh về thanh niênHồ Chí Minh đã đứng trên tầm cao của thời đại và trí tuệ để suy nghĩ về thanh niên, đánh giá thanh niên. Qua đó, xây dựng và khẳng định niềm tin tuyệt đối vào thanh niên - thế hệ gánh vác trọng trách của nước nhà.
Hành trang mang theo khi bước xuống tàu hướng sang phương Tây tìm đường cứu nước, giải phong dân tộc của người thanh niên Nguyễn Tất Thành là lòng yêu nước nồng nàn. Cuộc hành trình qua năm châu bốn biển không chỉ hình thành ở người thanh niên ấy tình cẩm và ý thức đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức, bị nô dịch mà còn rèn luyện Người trở thành một công nhân mang đầy đủ phẩm chất tốt đẹp của giai cấp vô sản quốc tế. Chính những năm tháng thanh niên trong lao động, học tập, tranh đấu với một động cơ vĩ đại và nghị lực phi thường, Hồ Chí Minh nhìn nhận thanh niên từ chính góc độ của thanh niên, với tất cả đặc điểm về lứa tuổi, ước mơ, hoài bão, khát vọng của họ. Bởi vậy, quan niệm của Người vể thanh niên rất gần gũi, chân thực, giản dị mà vô cùng sâu sắc. Người hiểu thanh niên như chính bản thân mình, nói với thanh niên như nói với chính mình, Vì thế, rất chân thành và đầy sức cảm hóa, lôi cuốn. Không phải ngẫu nhiên, nhà giáo dục học nổi tiếng người Nga Xukhômlinxki lại xem:
văn hóa là khả năng nhìn thấy người bên cạnh. Hồ Chí Minh đã đi đến tận cùng cuộc sống, với tầm tư duy vời vợi để có thể trở nên rất mực gần gũi và hiểu thanh niên, hiểu cuộc sống của họ sâu sắc đến như vậy. Người căn dặn: “Phải quan tâm đến đời sống, công tác và học tập của thanh niên”, “cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của các lớp thanh niên và giúp họ giải quyết vấn đề một cách thiết thực”.
(1) Là nhà cách mạng lỗi lạc, nhà quân sự tài ba, đồng thời, cũng là nhà tư tưởng, nhà giáo dục vĩ đại của đất nước mang tầm quốc tế. Do đó, Hồ Chí Minh luôn ứng xử với thanh niên và đánh giá thanh niên trên nền văn hóa sâu rộng, từ suy nghĩ tới hành động. Văn hóa là khả năng mình, hiểu người khác và làm cho người khác hiểu mình. Trong văn hóa có nguyên tắc của sự lắng nghe, của sự chia sẻ, của sự tôn trọng và tình người. Thanh niên, do đặc trưng của tuổi trẻ mà họ rất gần với văn hóa, nhạy cảm với văn hóa và dễ tiếp nhận văn hóa. Chính sự nhạy cảm của tâm hồn tuổi trẻ và những mong muốn được trở nên tốt đẹp hơn đã làm cho thanh niên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những giáo dục văn hóa, nhất là sự giáo dục ấy lại được thực hiện bởi những nhân cách văn hóa. Người hiểu sâu sắc thanh niên, biết cần chỉ cho thanh niên những gì, định hướng họ như thế nào và Người đã thực hiện điều đó với sự sâu sắc về tư tưởng và sự bao dung từ tâm hồn của mình. Trong cách ứng xử với tuổi trẻ, chúng ta không thấy ở Người biểu hiện của cái gọi là “bề trên”, “bề dưới”, theo kiểu mệnh lệnh, quyền uy mà thắm tình đồng chí, anh em, bè bạn, gắn bó thân thiết, keo sơn như những người thân trong gia đình. Với tuổi trẻ, chỉ có cảm thông và thấu hiểu mới có thể động viên, nâng đỡ và thúc đẩy tính tích cực của họ. Chỉ có lòng tin, sự bao dung, tình thương yêu sâu sắc mới giúp họ khẳng định bản ngã của mình, hướng đến sự hoàn thiện và vượt qua sự tha hóa. Những lợi dạy của Hồ Chí Minh đến với thanh niên một cách tự nhiên gần gũi và rất đời như vậy, nên thanh niên đón nhận và thực hành tư tưởng của Người như lẽ sống của mình. Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của lẽ sống, lý tưởng sống của thanh niên cũng chính vì Người là hiện thân của một nhân cách văn hóa.
Với tư duy biện chứng của một nhà minh triết, Người luôn xem thanh niên không phải là chủ thể bất định mà là những chủ thể đang phát triển, đang hoàn thiện về mọi mặt. Người luôn nhìn nhận thanh niên theo quan điểm phát triển, không hẹp hòi, thành kiến. Bác chỉ rõ: “ Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Tuổi trẻ mới là sự bắt đầu, họ còn cả tương lai phía trước đang vẫy gọi. Vì vậy, Người luôn tin tưởng, dõi theo sự tiến bộ, trưởng thành của tuổi trẻ, mong muốn tuổi trẻ học tập hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, tiến bộ hơn nữa và luôn lấy làm tự hào, vui sướng về sự trưởng thành đó. Là hiện thân của các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ câu châm ngôn: “Con hơn cha là nhà có phúc”, thế hệ sau giỏi hơn thế hệ trước thì cách mạng có phúc lớn. Sự mong chờ của Người cũng chính là sự kỳ vọng của cả dân tộc vào lớp người sẽ kế tục sự nghiệp vẻ vang của cách mạng. Nắm vững logic của sự phát triển, Người luôn bày tỏ niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của dân tộc - người chở niềm tin đó chính là thanh niên.
Từ quan niệm và cách tiếp cận đó, Hồ Chí Minh đi đến khẳng định vị trí, vai trò không thể thay thế của thanh niên trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Thanh niên - bộ phận quan trọng của dân tộc. Cuộc sống, sự nghiệp, tương lai của thanh niên gắn liền với số phận của dân tộc. Nếu dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ, dân tộc được giải phóng thì thanh niên mới được tự do. Hồ Chí Minh coi thanh niên là lực lượng quyết định vận mệnh và tương lai của dân tộc, là lực lượng cơ bản trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và kiến thiết nước nhà. Bản thân Người cũng thấm thía lời dạy của tiền nhân “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Chính vì vậy, ở độ tuổi hai mươi - khoảng thời gian đẹp nhất nhất của đời người, Người đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, đến tận sào huyệt của chủ nghĩa thực dân để tìm sự thật về nó, với một bức thư xin vào học ở các trường thuộc địa gửi tới Tổng thống Cộng hòa và Bộ thuộc địa Pháp, việc mà với nhiều người Pháp, phản ánh một chủ nghĩa lý tưởng và sự mạo hiểm ngoài sức tưởng tượng. Khi đã tìm thấy ánh sáng của con đường cứu nước, Người đã làm tất cả để giữ, nhóm và thổi bùng đốm lửa đầu tiên cho cách mạng.
Lực lượng đầu tiên mà Người quan tâm và hướng tới chính là thanh niên. Người nhận rõ sự nguy hại của chính sách ngu dân mà chủ nghĩa thực dân đã áp dụng để đầu độc người dân bản xứ, nhất là đối với tuổi trẻ. Sự đầu độc ấy đã làm cho người bản xứ chìm trong tăm tối, lạc lối u mê. Người viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại, Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”
(2). Đó không chỉ là những lời nói đanh thép mà trở thành lời hịch của đấ nước, là tiếng vọng của cha ông, là sự thúc dục của non sông để thức tỉnh thanh niên, thức tỉnh dân tộc. Chỉ có thể dành độc lập dân tộc khi giác ngộ được quần chúng nhân dân, mà trước hết phải hồi sinh, làm sống lại tinh thần và ý chí của tuổi trẻ, hướng cuộc đấu tranh của họ vào quỹ đạo của cách mạng vô sản.
Tháng 12 năm 1924, Người đã tiếp xúc với nhóm thanh niên yêu nước trong Tâm tâm xã và tổ chức một nhóm cách mạng đầu tiên. Việc tổ chức ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cùng với việc mở các lớp huấn luyện, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng vô sản chính là những bước chuẩn bị đầu tiên mà Người đã thực hiện để “gieo những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam”. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Người đã cùng Đảng sớm thành lập tổ chức của Đoàn thanh niên. Với tầm nhìn chiến lược và bằng những hoạt động tích cực, hiệu quả, Hồ Chí Minh đã bước đầu tạo dựng một lực lượng cách mạng hùng hậu, nòng cốt là thanh niên, đi tiên phong trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và trở thành đội hậu bị tin cậy của Đảng.
Thanh niên là “rường cột” của nước nhà, là “người chủ tương lai của nước nhà”. Người nói: “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”
(3). Thế hệ trẻ là lực lượng to lớn, vững chắc trong cuộc kháng chiến kiến quốc và thanh niên có vinh dự lớn thì trách nhiệm cũng lớn lao. Giải phóng dân tộc, cũng là giải phóng thanh niên. Do đó, thanh niên phải hăng hái tham gia vào sự nghiệp đấu tranh của dân tộc. Hồ Chí Minh sớm nhận thấy sức mạnh của tuổi trẻ, bởi đây là lứa tuổi nở rộ những tiềm năng, sức mạnh cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, đó là lứa tuổi đầy nhiệt huyết, căng tràn nhựa sống, giàu sức sáng tạo, nhạy bén với cái mới, sẵn sàng dấn thân cho những hoài bão và khát vọng của mình. Trong bức thư gửi tuổi trẻ nhân ngày khai trường đầu tiên của một nước Việt Nam mới, Người đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”
(4). Người không chỉ kỳ vọng mà còn đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ. Đồng thời, cũng giao trách nhiệm xây dựng tương lai non sông Việt Nam, tiền đồ của dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ. Năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Người gửi thư cho các chiến sỹ cảm tử quân thủ đô với những lời tha thiết: “Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cho tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại”.
(5)Hồ Chí Minh lý giải rõ ràng vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng, kiến thiết và bảo vệ đất nước, coi họ là đội quân xung kích trên các mặt trận. Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già và là người dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai; là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa; là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an, dân quân tự vệ; thanh niên đi đầu, sẵn sàng thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào, ở nơi khó khăn nguy hiểm nào; “đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”
(6). Có thể thấy, thanh niên có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống, luôn tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong công việc, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, khó khăn, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, là rường cột của nước nhà. Đó cũng là lý do tại sao Hồ Chí Minh lại đặc biệt yêu quý thanh niên.
Bằng sự đánh giá chính xác và tin tưởng tuyệt đối vào lực lượng của thanh niên, sức mạnh của thanh niên, Hồ Chí Minh đã dự báo đúng đắn con đường đến thắng lợi: “…Với một thế hệ thanh niên hăng hái, kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc,..” với niềm tin đó, Người nhìn thấy “tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”
(7).
2. Giáo dục lý tưởng sống cho sinh viên trong giai đoạn hiện nayHồ Chí Minh coi thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, tin tưởng ở thanh niên, tin vào bản chất và sức mạnh của họ, vào ưu thế vượt trội của họ với tư cách là lực lượng trẻ trung và nhiệt huyết của dân tộc, biểu hiện sức sống thanh tân của dân tộc. Nhưng Người cũng chỉ rõ, “thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”
(8). Hơn ai hết, Hồ Chí Minh nhận thấy những thế mạnh của tuổi trẻ, nhưng cũng nhận rõ những nguy hại mà dân tộc phải đối mặt nếu không chú trọng công tác bồi dưỡng rèn luyện, định hướng đúng đắn cho thanh niên. Chính vì vậy, theo Người phải giáo dục thanh niên trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên”, vừa có đức, vừa có tài, tức trở thành con người toàn diện.
Vấn đề nổi bật được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là công tác giáo dục lý tưởng chính trị và đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Người nhận rõ tầm quan trọng của lý tưởng, lẽ sống, đạo đức cách mạng đối với người cách mạng, đối với sự tồn vong của Đảng cách mạng, với sự thành bại của sự nghiệp, cơ đồ. Chính vì vậy, Người quan tâm đến vấn đề này từ rất sớm, ngay từ những ngày “nhóm lửa” và suốt trong tiến trình phát triển của cách mạng, cho đến những giây phút cuối cuộc hành trình vĩ đại của mình, mối quan tâm ấy đều xoay quanh vấn đề giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng.
Để quá trình giáo dục lý tưởng sống cho thanh niên giai đoạn hiện nay đạt hiệu quả cao, thanh niên cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, phải xác định rõ lý tưởng sống của mình. Sinh thời, Hồ chủ tịch đã dạy: “Những người cộng sản chúng ta không được một phút nào quên được lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”, “biết đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp lên trên lợi ích cá nhân, phải biết quên mình cho nghĩa lớn”
(9). Người cũng chỉ rõ, những thắng lợi mà cách mạng đạt được, chính là nhờ đức hy sinh của những người cộng sản, những người con kiên trung của dân tộc. Chính họ đã cùng dân tộc viết nên bài ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về lý tưởng cao cả mà họ đã chiến đấu và hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình. Lý tưởng sống là giá đỡ giúp con người vượt lên những thử thách khắc nghiệt trên con đường đấu tranh vốn không có chỗ cho những nhận thức mơ hồ và những bước chân dao động. Thanh niên luôn sống với những ước mơ, hoài bão, luôn tha thiết hướng đến những cái cao đẹp, họ luôn cần một điểm tựa tinh thần để vượt qua những thách thức và thực hiện khát vọng cống hiến của mình. Trạng thái chông chênh, bất ổn về niềm tin, định hướng lý tưởng và giá trị sống của thanh niên chắc chắn sẽ dẫn tới sự hụt hẫng về tinh thần và đẩy cuộc sống và tương lai của họ vào con đường bế tắc. Với tầm nhìn chiến lược và dự cảm sâu sắc về những thử thách trên con đường cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Người chỉ rõ, giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ là phải dạy cho họ biết yêu nước, thương nòi, biết “giữ chủ nghĩa cho vững”, biết rèn bản lĩnh cho chắc chắn, và khi cần, biết sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Trong sự khởi đầu của cuộc đời, con người chưa thể thực sự hoàn thiện về nhân cách, nhưng nếu ngay trong bước khởi đầu ấy, tuổi trẻ được định hướng đúng thì tương lai sẽ rạng rỡ, và nếu lầm lạc và bỏ lỡ thì nhiều khi cũng phải trả giá một cách đớn đau. Người luôn mong mỏi thanh niên có định hướng đúng đắn về lý tưởng sống của mình, tránh để cuộc sống của họ trở nên vô nghĩa. Trong thời đại Hồ Chí Minh, lý tưởng sống của thanh niên chính là đồng hành cùng dân tộc, cùng hướng tới giá trị về độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội và cống hiến hết mình cho lý tưởng đó.
Thứ hai, phải xác định động cơ lẽ sống của mình. Lý tưởng, động cơ và lẽ sống sẽ quyết định niềm tin, bản lĩnh cũng như phương hướng và cách hành động của tuổi trẻ. Người luôn nhắc nhở thanh niên phải có hoài bão, ước mơ có ý chí làm những việc lớn để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, vì dân vì nước chứ không ham làm “quan to”; Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Không sợ gian khổ, hy sinh,..”
(10). Hồ Chí Minh là hiện thân của một tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo, suốt cuộc đời Người chỉ theo đuổi một mục đích, một ham muốn là làm sao cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành, sống cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người căn dặn tuổi trẻ phải chịu khó học hỏi, rèn luyện, phấn đấu để phục vụ nhân dân, Tổ quốc, nhân loại, biết tránh xa những cám dỗ tiền bạc, danh lợi, địa vị, quyền lực. Những điều đó dễ lôi kéo, mê hoặc con người, trong khi tuổi trẻ lại chưa thực sự ổn định về nhân cách, bản lĩnh để làm chủ và nếu không làm chủ được, họ sẽ rất dễ hư hỏng, thoái hóa. Tuổi trẻ là nguồn trữ năng của xã hội, nếu tuổi trẻ lầm lỡ sẽ dẫn đến cả cuộc đời hư hỏng, và xã hội sẽ phải gánh chịu những tổn thất vô cùng to lớn. Do đó, cần phải hướng thanh niên tránh khỏi những tác động xấu, hình thành nhân cách và lối sống lành mạnh, tiến bộ.
Thứ ba, phải xác định thái độ, trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân. “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích nước lợi nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”
(11). Một trong những đặc trưng của tuổi trẻ là khát vọng dấn thân, và một khi đã xác định lý tưởng cho mình, đặt niềm tin vào lý tưởng đó, họ sẵn sàng xả thân, không ngại hy sinh, gian khổ. “Thanh niên cần phải có tinh thần gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực”
(12). Để làm tròn trách nhiệm với dân tộc, thanh niên phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, từ bỏ chủ nghĩa cá nhân, “phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”
(13). Chính vì vậy, nhiện vụ chính của thanh niên là học tập, học suốt đời, học đi đôi với hành, ra sức thực hành đạo đức cách mạng để hoàn thành trách nhiệm cao cả, vẻ vang của mình. Những lời dạy của Người đến hôm nay vẫn vẹn nguyên giá trị tươi mới và vẫn mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quần chúng đó phải được giáo dục, giác ngộ, định hướng, dẫn đường. Đó là một công việc khó khăn, gian khổ, và phải được tiến hành thường xuyên trong suốt tiến trình cách mạng, không được giây phút nào buông lơi. Vì thế, trong bản Di chúc bất hủ để lại cho chúng ta, việc Người quan tâm đầu tiên là “công việc đối với con người”, đối với mọi đối tượng, giai tầng trong xã hội, trong đó có thanh niên. Đây chính là sự chuẩn bị cho một sự kế tục chắc chắn và đáng tin cậy nhất. Quan tâm, chăm lo đến con người, nhất là thế hệ trẻ, chúng ta không chỉ chuẩn bị cho thắng lợi của cuộc đấu tranh gian khổ, mà còn chuẩn bị cho việc bảo vệ thành quả của nó. Đây là việc “rất quan trọng”, vì việc chuẩn bị cho thanh niên, bồi dưỡng, đào tạo thanh niên trong hiện tại như thế nào sẽ cho kết quả trong tương lai như thế đó. Đây là việc “cần thiết”, vì đó là quy luật không thể đảo ngược, thanh niên sẽ phải là người gánh vác trọng trách nối tiếp cơ đồ, sự nghiệp, sẽ phải nhận sự chuyển giao thế hệ mà nếu không tiếp nối được con đường cách mạng đó, tất thảy những đóng góp, hy sinh của các thế hệ trước đó sẽ trở nên vô nghĩa. Đó không chỉ là di nguyện thiêng liêng của Người mà còn là sự vạch hướng đúng đắn và sâu sắc về chiến lược “trồng người”.
Chúng ta đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn của quá trình phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập và giao thoa về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Quá trình đó, tạo cho chúng ta nhiều động lực và khả năng để phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là những vấn đề liên quan đến văn hóa, đạo đức, lối sống. Những điều đó lại có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế hệ trẻ, lứa tuổi đang hình thành về nhân cách, định hình lối sống. Muốn phát triển bền vững, phải giải nhiều bài toán trong đó khâu đột phá là chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ. Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về thanh niên và giáo dục thanh niên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp đổi mới cách nhìn nhận, đánh giá thanh niên, để từ đó, định hướng giáo dục thanh niên về đạo đức, lý tưởng, lối sống theo tấm gương đạo đức trong sáng và cao đẹp của Người.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và giáo dục thanh niên, trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, thanh niên vẫn là lực lượng xung kích cách mạng, là nguồn nhân lực quyết định thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh, phải “Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống; tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ cho thế hệ trẻ. Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”
(14)=============================
Tài liệu tham khảo (1). Hồ Chí Minh,
Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, 1980. Tr.166, 290)(2). Hồ Chí Minh,
Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội 2004, tr.133(3). Sđd,
Tập 5, tr.185(4). Sđd,
Tập 4, tr.33(5). Hồ Chí Minh,
Về giáo dục và tổ chức thanh niên, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2002, tr.79(6). Hồ Chí Minh,
Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.306(7). Hồ Chí Minh,
Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, Hà Nộ, 1980, Tr. 381, 382(8). Tư tưởng Hồ Chí Minh
, Nxb Lao Động,, Hà Nội, 2005, Tr.17(9). Sđd,
Tập 11, tr.372(10). Hồ Chí Minh,
Về giáo dục và tổ chức thanh niên, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2002, tr. 160(11). Hồ Chí Minh,
Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, Tr.445(12). (13). Sđd,
Tập 7, tr.455 (14). Đảng Cộng sản Việt Nam,
Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.243 Nguyễn Đức Khiêm - Tổ lý luận chính trị